Just another WordPress site
THÔNG TIN HỘI THẢO

Điệp viên hoàn hảo

Bài viết Tin tức hoạt động Mỗi tuần 01 cuốn sách
Điệp viên hoàn hảo

ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO

Larry Berman
Dịch giả: Nguyễn Đại Phượng

Tôi ngờ ngợ rằng người đang ngồi ăn tối với tôi đây chính là nhà báo đó – Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn từng được nhận bốn Huân chương Giải phóng, sáu Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, và được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Việt Nam.

Giống như rất nhiều người trẻ tuổi tham gia cách mạng để chống lại thực dân Pháp, Phạm Xuân Ẩn có tầm nhìn vì một sự công bằng xã hội và một nền độc lập của Việt Nam. Ông đấu tranh vì một nền tự do và chống lại sự đói nghèo. Là một nhà tình báo chân chính, ông không mưu cầu danh vọng hoặc tiền tài cho mình, mà tất cả chỉ vì nhân dân của nước ông.

Phạm Xuân Ẩn không hề muốn mình là một điệp viên, mà ông làm điều đó chẳng qua chỉ vì nghĩa vụ đối với dân tộc mình. Mặc dù vậy, ông vẫn nhận nhiệm vụ tình báo một cách nghiêm túc, cho dù nghề đó không mang lại cho ông nhiều niềm vui. Những điều ông mơ ước về cách mạng trở thành vấn đề lý tưởng, nhưng tôi tin rằng động cơ cuộc sống của Phạm Xuân Ẩn chính là những mục đích cao cả của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Đảng cộng sản Việt Nam đã tuyển mộ Phạm Xuân Ẩn làm tình báo viên với bí số X6 – một điệp viên đơn tuyến trực thuộc mạng lưới tình báo H.63 ở Củ Chi. Đảng đã chỉ thị cho ông chọn nghề báo làm vỏ bọc tốt nhất. Đảng gom góp tiền để cử Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ và khéo léo tạo ra một lý lịch giả để hỗ trợ cho vỏ bọc của ông. Trong hồ sơ của Đảng, ông Phạm Xuân Ẩn được mang bí danh là Trần Văn Trung nhằm giữ bí mật cho ông. Phạm Xuân Ẩn nói rằng đó là vận mệnh của ông, đồng thời cho rằng người ta không thể không đấu tranh với cuộc sống.

Sứ mạng của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn là cung cấp các báo cáo tình báo chiến lược về những kế hoạch chiến tranh của Mỹ và sau đó gửi vào “rừng” cho chỉ huy cấp trên. Trong suốt giai đoạn đầu của quá trình gia tăng sự có mặt của Mỹ ở Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn là một tình báo viên quý giá nhất so với tất cả các tình báo viên hoạt động ở miền Nam. Thông tin tình báo của ông có giá trị cao về tính chính xác, bởi vì ông đã thiết lập được một vỏ bọc chắc chắn gần như không thể lộ được. Những báo cáo tin tình báo đầu tiên của ông chính xác đến mức tướng Giáp đã có lần nói rằng: “Giờ đây, chúng ta đã có mặt ngay trong phòng tác chiến của Mỹ”.

     Phạm Xuân Ẩn là người đã giúp cho các nhà báo Mỹ hiểu được sự phức tạp trong tình hình chính trị ở Việt Nam. Ông được các giới chính trị, quân sự, tình báo của cả hai bên đánh giá cao, bởi vì ông có khả năng phân tích về Mỹ cho phía Việt Nam. Thời kỳ 1965-1975, tên Phạm Xuân Ẩn luôn được đưa vào danh sách những phóng viên được phép đưa tin các sự kiện do Bộ Chỉ huy và viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV) tổ chức. Ông chưa bao giờ phải làm cái việc ăn cắp tài liệu mật, vì ông luôn được các nguồn tin của mình cung cấp những tài liệu mật để phân tích giúp cho họ những tình hình quân sự và chính trị to lớn hơn.

Ông đã qua mắt được tất cả các nhân viên tình báo không chỉ của chế độ Sài Gòn, mà cả của Mỹ. Ông Bùi Diễm – cựu Đại sứ của chế độ Sài Gòn tại Hoa Kỳ, nhớ lại: “Chúng tôi thường dùng bữa trưa với nhau tại Brodard và tôi chẳng bao giờ nghi ngờ điều gì cả”.

Thật trớ trêu, khi cuộc chiến tranh đã chấm dứt và Việt Nam không còn bị chia cắt nữa, thì lại có một số người trong cơ quan công an Việt Nam tin rằng quan hệ của Phạm Xuân Ẩn với người của tình báo Mỹ và CIO vẫn còn quá thân thiết. Và rằng, người Anh hùng tình báo của họ tồn tại được lâu như vậy là vì đã làm việc cho các bên khác nhau nên rất có thể Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên đồng thời cho cả ba cơ quan tình báo. Sự rắc rối đối với Phạm Xuân Ẩn bắt nguồn từ việc ông luôn dùng những lời lẽ thân thiết để nói về những người bạn của mình từng làm việc cho CIA và CIO.

Thực hiện tất cả những điều đó, Phạm Xuân Ẩn hiểu rằng chỉ cần một sai lầm nhỏ của mình cũng có thể dẫn đến việc ông bị bắt hoặc bị giết. Đề cập đến những năm tháng hoạt động tình báo, Phạm Xuân Ẩn nói: “Người ta có thể nói gì về cuộc sống, khi mà người ta phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng hy sinh”.

Trong suốt hơn hai mươi năm, Phạm Xuân Ẩn sống trong vỏ bọc, nhưng vẫn hy vọng điều mà ông hằng mơ ước sẽ trở thành sự thật. Đó là điều ông mơ ước được làm phóng viên cho một tờ báo của nước Việt Nam thống nhất. Ông khâm phục và kính trọng những người Mỹ mà ông đã từng gặp ở Việt Nam, cũng như những người ông gặp trong thời kỳ còn ở bên Mỹ. Ông tin rằng hiện nay, những người Mỹ đó chẳng làm gì ở đất nước của ông. Laura Palmer đã từng viết về Phạm Xuân Ẩn: “Những người bạn của ông là tài sản quí giá trong trái tim ông”.

Hôm lên tàu Vandegrift, Phạm Xuân Ẩn mặc thường phục nên chỉ có mỗi một người trong phái đoàn Việt Nam trên tàu nhận ra ông. Một vị đại tá Việt Nam tiến lại gần ông và hỏi bằng tiếng Việt:

“Xin lỗi, có phải ông là tướng Phạm Xuân Ẩn không ạ?”.

Phạm Xuân Ẩn nghe vậy liền ngửng mặt lên đáp “Vâng, đúng là tôi”.

Vị đại tá liền đáp: “Rất hay được gặp ông”, rồi trong lúc Phạm Xuân Ẩn đang đứng giữa rất nhiều quan chức cấp cao Mỹ, vị đại tá quay sang phía Phạm Xuân Ẩn hỏi hài hước:

“Vậy ông là tướng của bên nào?”.

Không một chút do dự, Phạm Xuân Ẩn liền đáp: “Của cả hai bên”.

Lúc đó vị đại tá nhìn có vẻ khó chịu. Phạm Xuân Ẩn nói: “Chỉ là trò đùa thôi mà”.

Sách hiện có tại Trung tâm Thông tin Thư viện trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng.

Sưu tầm và giới thiệu: Nguyễn Thị Hùng

Các tin liên quan
  • Bóng chuyền trong trường phổ thông
  • Lý luận thể thao thành tích cao
  • Giáo trình lịch sử Thể dục Thể thao
  • Thủy Hử
  • Những chặng đường lịch sử Bắn súng Việt Nam

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO VÀ DU LỊCH UPES3


Địa chỉ mới: Số 570 Trần Cao Vân, Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng
Website: https://upes3.edu.vn
Hotline: 0969645151 * Email: contact@upes3.edu.vn
Chính sách quyền riêng tư, Thông báo

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn “upes3.edu.vn” như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!

DMCA.com Protection Status